Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z

Apr 25, 2023
baby
Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z

1. Gội đầu – Chăm sóc tóc cho bé

Với trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên gội đầu cho trẻ với dầu gội dành riêng cho bé một vài lần mỗi tuần. Việc gội đầu cho trẻ mỗi ngày sẽ rửa trôi các chất dầu tự nhiên trên da đầu trẻ từ đó khiến da đầu con bị khô làm cho tóc dễ gãy rụng.

Sau khi gội, mẹ hãy dùng khăn cotton mềm thấm nhẹ nhàng để làm khô tóc cho bé. Trường hợp tóc bé dài và rối, mẹ nên dùng tay gỡ rối cho bé. Sau đó, mẹ có thể dùng lược thưa hoặc lược lông mềm chải tóc cho con. Bạn đừng ngại chải tóc cho con. Bởi việc chải tóc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể giúp con nhận được các lợi ích như: thúc đẩy lưu thông máu, kích thích hệ thần kinh, giúp con thư giãn, giúp làm sạch các mảng viêm da tiết bã, giúp bé trông gọn gàng và xinh xắn hơn.

Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ dưới 5-6 tháng không cần cắt tóc bởi da đầu của con khá nhạy cảm, cổ chưa vững, hay ngọ nguậy nên việc cắt tóc dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, cắt tóc cho trẻ sơ sinh là cắt tóc máu không tốt cho sức khỏe của trẻ. Thế nên, mẹ chỉ nên cắt cho con khi tóc con quá dài, lòa xòa, chấm vào mắt gây khó chịu hay tóc dày và tốt mà thời tiết lại quá nóng bức.

2. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Đầu trẻ sơ sinh có cứt trâu phải làm sao?

Việc da đầu trẻ đóng vảy, có mùi hôi là không quá hiếm gặp. Tình trạng này được dân gian gọi là cứt trâu. Cứt trâu hay còn gọi là viêm da tiết bã phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi). Ngoài da đầu, các mảng cứt trâu có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như trên mặt, phía sau tai, nách, vùng mặc tã…

Da đầu trẻ bị cứt trâu có thể có mùi hôi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tóc của trẻ có thể bị rụng tóc tại vị trí có cứt trâu. Tin vui là tóc sẽ mọc trở lại sau khi cứt trâu biến mất.